Từ một con sam biển, đầu bếp có thể chế biến thành 7-8 món như gỏi, xào với măng chua hay lá lốt, trứng chiên xúc bánh đa…
Đến Quảng Ninh những ngày đầu đông, du khách sẽ có cơ hội thưởng thức một trong những loại hải sản đặc biệt được chế biến kỳ công và có hương vị độc đáo, đó là sam biển. Sam biển (cua móng ngựa) là loại động vật giáp xác mang thân mình tròn dẹt, mai cứng như vỏ cua, bụng có 16 chân nhỏ, bơi chậm, có thể bò trên cạn.
Tại Việt Nam, sam biển phổ biến nhất ở những nơi giáp cửa sông. Vùng biển Quảng Ninh từ lâu đời đã nổi tiếng với sản lượng khai thác lớn và thịt sam đạt giá trị thương phẩm cao. Thời điểm thưởng thức sam biển lý tưởng nhất là từ tháng 10 đến tháng 2 Âm lịch bởi đây chính là mùa sam sinh sản nên sam cái có nhiều trứng, thịt béo và chắc.
Dân gian có câu “dính nhau như sam” dựa theo tập tính sống kết đôi. Vì vậy, khi ngư dân đi khai thác họ sẽ chỉ bắt sam theo đôi, nếu bắt được sam đơn (con so – có hình dáng gần giống con sam) họ sẽ thả đi do loài này có thể có độc, không thể sử dụng làm thực phẩm.
Sam cái trưởng thành có trọng lượng từ 1,5 đến 3 kg, sam đực nhỏ hơn với trọng lượng vào khoảng 1-2 kg. Sam biển được bán theo đôi với giá dao động từ khoảng 800.000 đến 1,5 triệu đồng một đôi tùy theo độ lớn.
Sam không dễ chế biến, đòi hỏi người đầu bếp phải có kỹ năng thành thục lâu năm. Tất cả các bộ phận của con sam, trừ phần mai cứng đều có thể sử dụng để chế biến thành những món ăn khác nhau tùy theo sở thích thực khách. Ở Quảng Ninh, chỉ một con sam, với sự khéo léo của đầu bếp có thể làm ra 7-8 món.
Thịt sam nhiều đạm, có tính hàn, vị gần giống thịt ghẹ nhưng dai và nhạt hơn, phù hợp để xào cùng gia vị cay nóng như măng chua, tỏi, ớt, lá lốt. Đầu bếp cũng có thể tách thịt sam ra làm món gỏi chua ngọt cùng hành lá, rau răm, lá húng, vừng, lạc rang giã nhỏ và thêm chút giấm gạo chua thanh để ăn chống ngán. Trứng sam có vị bùi, béo thường được chiên hoặc nướng để xúc cùng bánh đa. Chân sam ngon nhất để xào chua ngọt cùng nước sốt mắm nhĩ, me chua kết hợp với sả ớt cay nồng. Túi đựng trứng của sam sau khi tách hết phần trứng sẽ được nhồi cùng với thịt băm, hành mỡ chiên giòn tạo độ giòn sần sật . Và đặc biệt món tiết canh sam có màu xanh lam lạ mắt và vị ngọt thanh.
Chị Trần Thu Nga, 29 tuổi, nhân viên văn phòng, quê gốc ở Quảng Ninh hiệ ở Hà Nội, đã quen thuộc với hương vị sam từ nhỏ. “Mỗi năm về quê vào mùa thu đông tôi thường tranh thủ đi Quảng Yên ăn sam. Ăn sam nhiều có thể sẽ nghiện, lâu không ăn sẽ thấy nhớ. Trong thời tiết se lạnh, vừa nhấm nháp vừa xuýt xoa từng miếng chân sam xào cay nồng đượm vị hoặc ăn miếng bánh đa xúc trứng sam nướng thơm phức, nổ trong miệng sẽ đem lại cảm giác rất riêng mà chỉ khi ăn sam biển mới có được”.
Khi đến Quảng Ninh, du khách có thể tham khảo một số địa chỉ để thưởng thức đặc sản này như: Nhà hàng sam gia truyền Tin Vượng ở thị xã Quảng Yên, quán sam biển giữa trung tâm chợ Hạ Long, quán Sam Cô Béo ở phường Hà Tu thành phố Hạ Long…